Dấu ấn đầu tiên là Báo Quảng Bình tăng kỳ xuất bản, tăng số lượng phát hành. Để đáp ứng yêu cầu của việc tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của tỉnh trước tình hình mới, cuối tháng 1/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép Báo Quảng Bình tăng kỳ xuất bản từ 3 kỳ/tuần lên 4 kỳ/tuần, báo ra vào thứ 2, 4, 6 và chủ nhật, chỉ ba năm sau, đầu năm 2004 tăng lên 5 kỳ/tuần, báo ra vào thứ 2, 3, 4, 6 và số Quảng Bình cuối tuần. Cùng với tăng kỳ xuất bản, số lượng phát hành Báo Quảng Bình cũng không ngừng được tăng lên, từ chỗ 2.000 tờ/kỳ tăng lên 5.000 tờ/kỳ. Trước đây, báo phát hành về cơ sở mất hai đến ba ngày, nay báo được phát hành về tất cả các địa phương trong ngày, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Dấu ấn thứ hai là tờ báo không ngừng đổi mới, phát triển nhiều chuyên mục, chuyên đề và tổ chức tốt các cuộc thi viết trên báo. Đây là một trong những yêu cầu sống còn nhằm làm sinh động, phong phú nội dung tờ báo, tạo sân chơi, sức hấp dẫn, thu hút đối với bạn đọc.
Ngoài các chuyên mục, chuyên đề đã có, từ số báo ra ngày 17/10/1998, Báo Quảng Bình đã mở thêm các chuyên mục, chuyên đề mới, như: “Giữ gìn phong hóa”, “Pháp luật đất đai với cuộc sống”; đầu năm 2000 mở chuyên mục “Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII” có tác động rất mạnh mẽ.
Tháng 4/2000, Báo Quảng Bình mở thêm chuyên mục “Câu hỏi tuần này” đăng trên trang nhất số thứ 2 ra hàng tuần, thu hút đông đảo cộng tác viên và bạn đọc hưởng ứng sôi nổi.
Từ năm 2001, trên số “Quảng Bình chủ nhật” mở thêm nhiều chuyên mục mới như “Dọc theo đất nước”, “Quảng Bình tuần qua”, “Sự kiện và bình luận”, “Sức khỏe của bạn’, “Thời trang”, “Thế giới đó đây”, “Tin nhanh trong nước, thế giới”, với nhiều bài viết sắc sảo lôi cuốn bạn đọc. Từ năm 2002, báo lại tăng cường các chuyên đề, chuyên mục mới, như: “Ở nhà cuối tuần”, “Pháp luật đó đây”, “Tản văn”, “Nhặt chuyện”, “Nét đẹp đời thường”, “Ký sự pháp đình”… Với hệ thống chuyên đề, chuyên mục mới phong phú, đa dạng, vừa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đông đảo bạn đọc. Sức thu hút của tờ báo với độc giả nhờ thế luôn được tăng lên.
Cùng với việc đổi mới, tăng cường hệ thống các chuyên mục, chuyên đề, Ban Biên tập Báo Quảng Bình còn chú trọng phát động các cuộc thi viết trên báo. Ngay từ năm 1997, Báo Quảng Bình đã tổ chức cuộc thi viết “Phóng sự, phóng sự điều tra”, năm 2002 tổ chức cuộc thi ảnh “Quê hương đất nước, con người Quảng Bình”, các năm sau có các cuộc thi viết về “Gương người tốt, việc tốt”, các điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… với hàng nghìn bài viết thu hút nhiều cộng tác viên và bạn đọc đủ các lứa tuổi, các vùng, miền, ngành nghề tham gia, tạo sức lan tỏa lớn.
Dấu ấn thứ ba là Báo Quảng Bình đã tập trung tuyên truyền các sự kiện lịch sử lớn mang đậm dấu ấn, như: Sự kiện UNESCO chính thức công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (tháng 7/2003); sự kiện TX. Đồng Hới lên TP. Đồng Hới (tháng 8/2004); Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương Quảng Bình (tháng 10/2013); kỷ niệm 410 năm thành lập tỉnh Quảng Bình và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (tháng 4/2014); các sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, 50 năm Quảng Bình quật khởi, các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh… Sự kiện phức tạp gây rối trật tự tại khuôn viên tháp chuông Tam Tòa, TP. Đồng Hới (tháng 7/2009) thu hút dư luận trong và ngoài nước, Báo Quảng Bình đã có loạt bài viết công phu, sâu sắc lên án kẻ xấu, định hướng kịp thời dư luận đúng hướng... Tất cả các sự kiện, dấu ấn có tính lịch sử ấy đều có thể tìm thấy trên các trang báo, số báo Quảng Bình thời kỳ này. Và nay đọc lại vẫn như thấy không khí sục sôi và sự kiện đang diễn ra vậy.
Dấu ấn thứ tư là để bảo đảm cho việc xuất bản báo ra hàng ngày kịp thời, có chất lượng, sau nhiều năm chuẩn bị, từ tháng 9/2005, Báo Quảng Bình đã đưa được hệ thống chế bản điện tử đi vào hoạt động, chấm dứt thời kỳ làm báo thủ công. Đây là dấu mốc lớn đánh dấu sự đổi mới, phát triển của Báo Quảng Bình, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng in ấn, hạn chế tối đa các sai sót.
Báo Quảng Bình đón nhận cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 của Chính phủ. Ảnh: Tư liệu
Đồng thời, nắm bắt xu thế phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại và để kịp thời phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn mới, sau thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cho phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, vào lúc 17 giờ 5 phút ngày 5/1/2012, Báo Quảng Bình điện tử chính thức hoạt động. Đây là loại hình truyền thông đa phương tiện ngày càng tỏ rõ ưu thế và tính thiết thực trong việc đơn giản hóa quy trình biên tập, hướng mạnh đến độc giả và nâng cao hiệu quả làm việc. Cùng với báo in, 11 năm qua, Báo Quảng Bình điện tử đã góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thời gian này, Báo Quảng Bình cũng đã tổ chức thành công hai hội thảo lớn của báo Đảng các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào các năm 1999 và 2012, được dư luận bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao về chất lượng hội thảo cũng như tấm lòng mến khách, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà ra cả nước.
Mặt khác, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sau thời gian tích cực xây dựng, từ tháng 1/2011, Báo Quảng Bình chính thức có trụ sở làm việc mới khang trang, rộng rãi với khuôn viên thoáng, đẹp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động báo chí, động viên rất lớn anh chị em làm báo tỉnh nhà.
Dấu ấn thứ năm là với những nỗ lực cố gắng vượt bậc và thành tích xuất sắc, đây là khoảng thời gian Báo Quảng Bình được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011) cùng nhiều giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh dành cho Báo Quảng Bình và nhiều cá nhân của báo.
Báo Quảng Bình xứng đáng với đánh giá ghi nhận của Tỉnh ủy: “Báo Quảng Bình thực sự là người lính xung kích trên mặt trận thông tin, nhạy bén phát hiện cái mới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phát hiện và cổ vũ kịp thời các nhân tố mới, đấu tranh có kết quả chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu và các tệ nạn xã hội khác. Sự đóng góp của Báo Quảng Bình trong những năm đổi mới là sự kế tục xứng đáng truyền thống của Báo Quảng Bình qua các giai đoạn cách mạng…”.
Có được những dấu ấn thành tích nêu trên, thế hệ làm Báo Quảng Bình thời kỳ này rất đỗi tự hào, tự hào hơn vì thành quả mình có được từ sự phấn đấu trong bối cảnh của một giai đoạn tuy thời bình nhưng cũng đầy sóng gió. Cuối năm 1996, 1997, một số phóng viên chủ lực của báo chuyển đến các cơ quan báo chí Trung ương, áp lực thiếu phóng viên trong khi báo phải tăng kỳ xuất bản. Tháng 5/2005, đồng chí Tổng Biên tập Tạ Đình Nam đột ngột qua đời, một số anh chị em ốm đau, gia đình gặp hoạn nạn. Báo Quảng Bình liên tục thay đổi trụ sở làm việc (khi thì ở số 6 đường Lý Thường Kiệt chật chội, khi sang mượn trụ sở Công ty Lương thực Quảng Bình làm tạm). Trong gần hai năm (từ tháng 5/2004-tháng 1/2006), Ban Biên tập chỉ có một đồng chí lãnh đạo phụ trách, trong khi báo phải tăng kỳ xuất bản lên 5 kỳ/tuần.
Trước bao biến cố phức tạp, có được những thành tích nêu trên là kết quả phấn đấu cật lực của tập thể cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên và nhân viên của Báo Quảng Bình, là sự đồng cam cộng khổ, cộng tác tích cực của đội ngũ anh chị em cộng tác viên của báo, của công nhân nhà in, nhân viên phát hành báo, và trên hết là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm phối hợp giúp đỡ của các địa phương, ban, ngành trong tỉnh và đông đảo bạn đọc xa gần của Báo Quảng Bình.