Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng ngày nào bố mẹ tôi không cãi cọ, hơn thua, lời qua tiếng lại với nhau thì mấy đứa con chúng tôi liền cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó và không tài nào yên tâm cho được.
Nhà tôi không được gì ngoài cái đông con đông cái. Bố mẹ tôi có quan điểm con cái là lộc trời cho nên đến khi 5 chị em chúng tôi liền tù tì dắt díu nhau ra đời thì mẹ tôi mới tá hỏa đưa ra yêu cầu không sinh nở gì nữa để còn kiếm tiền mà nuôi con.
Thế là gia đình 7 người và 1 chú chó, một cô mèo nhà tôi lúc nào cũng ồn ào như cái chợ vỡ. Được cái, 5 anh chị em chúng tôi không mấy khi cãi lộn, xích mích với nhau đâu. Vì sao ư? Vì tối ngày ngồi nghe bố mẹ cãi cọ nhau thôi đã đủ mệt rồi, còn lấy đâu ra sức mà đi cãi vã nhau thi với bố mẹ nữa.
Thế nhưng có một quy luật bất thành văn mà chúng tôi để ý được, đó là thường thì bố tôi luôn là người thua cuộc. Bất kể khởi nguồn cuộc cãi vã là do ai hay ai đúng ai sai đi chăng nữa thì bố tôi luôn là người phải nói xin lỗi trước.
Khổ nỗi nhà tôi lại được cả bố lẫn mẹ đều có tự ái cao ngút trời, muốn nhận lỗi lắm rồi nhưng vẫn không nói thành lời, mà nếu có nói ra lời rồi thì cũng toàn những lời lẽ khó nghe vô cùng, thế là họ lại bắt đầu một cuộc chiến mới.
Mỗi lần như vậy thì 5 đứa chúng tôi khổ tâm vô cùng, bởi vì tàn tích chiến tranh của bố mẹ làm gì có ai hứng hộ đâu, thành thử đắng cay ngọt bùi gì thì 5 đứa chúng tôi đều được cả.
Cơm mẹ sẽ nấu mặn hơn, cay hơn, chua chát và đắng ngắt hơn. Buổi tối học bài bố sẽ giao nhiều bài tập hơn hoặc bắt mấy đứa con làm nhiều việc nhà hơn…
Thế rồi, một ngày, bố tôi bỗng phát hiện ra cách để xin lỗi vợ đầy chân thành mà lại không phải mở lời. Đặc biệt, đảm bảo mẹ sẽ nguôi giận ngay lập tức. Hiệu quả của phương thức này dù đã xài đi xài lại nhiều lần nhưng lần nào cũng thành công.
Kể từ đó, mỗi lần mẹ tôi nổi nóng, hoặc bố ướm thấy cãi cọ không lại được với nóc nhà của mình rồi thì ông kiên quyết đứng phắt, không nói không rằng, phi ra lấy chổi đi… lau nhà.
Không sai đâu. Chính xác là lấy chổi đi lau nhà!
Không chỉ lau không đâu mà con lau một cách tỉ mẩn và tận tâm vô cùng. Bất kể hôm ấy có phải là ngày trực lau dọn nhà của bố hay không. Vừa lau bố còn tỏ vẻ rất ấm ức, đặc biệt lau đi lau lại rất kĩ cái phòng mà mẹ đang ngồi.
Hôm nào mẹ tôi ở trong phòng ngủ thì bố sẽ lau cái phòng ngủ ấy đến chục lượt không xong. Hôm nào mẹ phải làm việc thì bố cũng mải miết dọn dẹp, lau chùi phòng làm việc đến cả tiếng đồng hồ. Có bữa, mẹ đang nấu cơm, bố sẽ tranh sắp xếp gia vị, lóng ngóng thế nào mà làm vỡ luôn lọ đựng mì chính!
Lúc ấy 5 anh chị em chúng tôi thầm nghĩ trong đầu “thôi xong rồi”. Ấy vậy nhưng mẹ hoàn toàn không hề cáu giận mà con lo bố bị thủy tinh cứa vào chân nữa cơ! Nhìn bố mẹ cuống quýt hỏi han nhau chúng tôi liền đầy một đầu đầy hỏi chấm vì không hiểu rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra.
Mãi về sau, có một dịp, mấy đứa chúng tôi mới hỏi mẹ vì sao mỗi lần bố vác chổi đi lau nhà thì dù trước đó mẹ có cáu giận đến đâu cũng sẽ bỏ qua cho bố. Thậm chí chả cần bố phải nói xin lỗi nữa. Lúc ấy mẹ mới nói nhỏ rằng đó là bí quyết giữ nhà cửa yên ấm, thắt chặt tình cảm của hai vợ chồng già, mà nếu có thể thì các cặp vợ chồng trẻ vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm.
- Thật ra mẹ đâu có cần bố chúng bay phải xin lỗi gì đâu. Nhất là xin lỗi mà trong lòng không cam thì còn khiến người ta khó chịu hơn. Mỗi lần bố chúng bay vác chổi ra lau nhà là biết lỗi rồi đấy, kể cả không biết lỗi thì cũng không muốn hơn thua với vợ nữa nên đi lau nhà để kiềm chế bản thân. Mẹ nhìn thấy vậy thì cũng không được đà lấn tới, làm quá lên. Thế là cơm lại lành, canh lại ngọt thôi!
5 đứa chúng tôi lại mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau, cơm lành canh ngọt của ba mẹ kéo dài đâu có được bao lâu đâu ta? Kiểu gì từ giờ đến tối lại phải cãi nhau thêm trận nữa cho mà xem!