Yêu quái trong Tây Du Ký coi thịt Đường Tăng như một báu vật quý hiếm không phải để kéo dài tuổi thọ mà vì thịt của Đường Tăng có tác dụng rất đặc biệt.
Thân thế cao quý vốn là điểm đáng chú ý?
Theo diễn biến trong Tây Du Ký, Đường Tăng quả thật có thân thế bất phàm. Kiếp trước của Đường Tăng nguyên là Kim Thiền Tử - đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai.
Bởi người này không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo, cho nên đã bị Đức Như Lai đày đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ. Cho dù có là học trò, đệ tử của Phật Tổ thì khi phạm Phật quy, phạm tội tày đình vẫn phải chịu phạt như người thường.
Tạo hình Đường Tăng trong phim.
Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Cậu bé vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị giết, mới vừa đầy tháng mẹ đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối.
Lớn lên đi tìm họ hàng chẳng hề dễ dàng, về sau trên con đường tu luyện tìm chân kinh phải trải qua muôn ngàn sóng gió, hết tai này đến nạn kia. Mỗi khi gặp khó nạn chỉ cần trong tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu phật có một chút "lung lay" thôi thì mọi công sức đều đổ bể, hơn nữa lại còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Bốn thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký.
Trên đường đi, Kim Thiền Tử - Đường Tăng thu nạp 3 đệ tử: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh. Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định tâm cầu Phật pháp, trải qua 81 nạn mới trở về lại được thế giới Phật. Bởi kiếp trước là đồ đệ của Như Lai, thân thế bất phàm, tu vi hàng vạn năm, dung nhan ngời sáng nên tất thảy yêu quái đều "rình" bằng được Đường Tăng để ăn thịt với mong muốn được trường sinh bất lão.
Tuy nhiên, khi độ thế hạ phàm, Kim Thiền Tử chỉ là người trần mắt thịt, là một tăng nhân. Mà nếu là tăng nhân bình thường thì chẳng có lý do gì thịt của y lại có thể "đắt giá" đến vậy.
Sa Tăng đã từng ăn thịt 9 người đi lấy kinh, nhưng vẫn là yêu quái ở sông Lưu Hà đó thôi. Vậy làm sao ăn thịt Đường Tăng lại có thể trường sinh bất lão?
Hiểu lầm tai hại khiến yêu quái muốn ăn thịt Đường Tăng
Trong con mắt của những yêu quái trong bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng, muốn được trường thọ và đạt được cảnh giới cao nhất thì chỉ có một cách duy nhất đó là ăn thịt Đường Tăng. Điều này thật sự là một sai lầm lớn.
Áo cà sa và gậy tích trượng cửu hoàn.
Thực chất thịt của Đường Tăng hay thịt của Kim Thiền Tử hoàn toàn không hề có tác dụng trường sinh bất lão. Vật quý giá nhất phải là áo cà sa và gậy tích trượng của Đức Như Lai.
Phật Tổ Như Lai đã từng nhắc rằng: "Khi mặc áo cà sa này sẽ có thể miễn được vòng luân hồi, giữ chiếc trượng này có thể không bị độc hại". Nếu sở hữu 2 thứ này, bất kỳ ai cũng có thể tránh bị rơi trong vòng xoáy đầu thai luân hồi (nghĩa là trường sinh) và không bị độc dược làm hại.
Nhưng những yêu quái trong phim đều không biết được giá trị thực của vật báu này, chúng cho rằng thịt Đường Tăng mới là con đường để trường sinh bởi suy cho cùng, chúng chỉ là tiểu yêu, bản chất thích hãm hại người nên cứ nghĩ rằng ăn thịt người tu Đạo là cách nhanh nhất để đắc Đạo.
Song không phải yêu quái nào cũng muốn ăn thịt Đường Tăng. Thực tế có nhiều yêu nữ bắt Đường Tăng chỉ muốn kết hôn với y vì y quá nổi tiếng và đẹp đẽ.
Điều này cho thấy những thứ bí ẩn chưa có lời giải thường dễ dàng mê hoặc tâm trí con người, khiến họ tự biến cái tầm thường thành siêu phàm và trở nên thèm khát chiếm hữu nó.
Cần phải chỉ ra rằng mặc dù những con yêu quái trong Tây Du Ký đã trở thành yêu tinh nhưng chúng vẫn theo đuổi cảnh giới và sức mạnh cao hơn. Chúng tin rằng ăn thịt Đường Tăng là một cách nâng cao sức mạnh của bản thân, đồng thời cũng là một cách để chống lại sự hạn chế của trời đất. Vì vậy, chúng coi Đường Tăng như một nguyên liệu thực phẩm quý giá và đạt được mục tiêu của mình bằng cách ăn thịt của Đường Tăng. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến yêu quái trong Tây Du Ký muốn bắt Đường Tăng.
Tất cả những yêu quái muốn ăn thịt Đường Tăng không phải để sống lâu hơn mà là để bổ sung linh lực, tăng cường pháp lực, tránh thiên phạt và thể hiện uy nghiêm của mình. Làm như vậy có thể nâng cao sức mạnh của yêu quái và giúp chúng chiến đấu quyết liệt với Đường Tăng và những đồ đệ khác trong cuộc hành trình về phía Tây.
Tùng Lâm (t/h)