Phẫu thuật có tên gọi TaTME (Transanal Total Mesorectal Excision), được đánh giá là hướng đi mới để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp và ống hậu môn.
Trước đó, chị N.T.M. đến BV Bạch Mai khám vì bị đi ngoài ra máu đỏ tươi, số lượng ít bao quanh phân dai dẳng suốt 2 tháng. Chị M. có tiền sử mổ cắt tuyến giáp toàn bộ và đang điều trị hormon thay thế thường xuyên.
Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy cho biết, đi ngoài ra máu đỏ tươi có thể là triệu chứng gặp ở rất nhiều bệnh lí khác nhau vùng hậu môn như trĩ hoặc táo bón. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lí ung thư vùng hậu môn - trực tràng.
Khi tiến hành khám hậu môn, các bác sĩ đã sờ thấy khối u sần sùi gần sát rìa hậu môn. Đây là triệu chứng tiên quyết để chẩn đoán khối u ở hậu môn - trực tràng thấp. Khối u tiến triển sùi vào lòng trực tràng, dẫn đến dễ chảy máu khi đi đại tiện. Để chẩn đoán xác định, chị M. đã được chỉ định nội soi trực tràng.
Kết quả nội soi tiêu hóa khớp với nhận định ban đầu khi khám lâm sàng. Chị M. có khối u sùi trực tràng thấp cách rìa hậu môn 5cm, chiếm gần hết chu vi. Sinh thiết tổn thương cho kết quả là tế bào ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Bệnh nhân M. tiếp tục được chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá giai đoạn của khối u. Trên cơ sở đó, các bác sĩ có thể lập phương án điều trị tối ưu nhất.
BS Vinh cho biết, ung thư ống hậu môn - trực tràng là tổn thương ác tính ở phần cuối của ống tiêu hóa liên quan đến chức năng đại tiện. Khoảng cách của khối u có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật. Khối u càng thấp tức là càng sát lỗ hậu môn thì phẫu thuật càng khó khăn khi can thiệp đường bụng.
Kết quả hội chẩn trước phẫu thuật cho bệnh nhân M. cho thấy khối u còn khu trú ở thành trực tràng, chưa xâm lấn vào tổ chức xung quanh và cơ thắt.
"Đây là cơ sở để chúng tôi thực hiện phẫu thuật loại bỏ phần trực tràng có khối u và giữ lại cơ thắt hậu môn, đảm bảo chức năng đại tiện cho người bệnh", Bác sĩ Vinh cho biết.
Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi qua đường hậu môn. Bằng dụng cụ bơm hơi trực tràng quan sát trong lòng trực tràng bằng ống kính nội soi, chúng tôi xác định chính xác vị trí khối u và vị trí diện cắt. Từ đó, chúng tôi cắt bỏ phần trực tràng và mạc treo của nó từ dưới đi qua ống hậu môn lên ổ bụng. Phẫu thuật này có tên gọi TaTME (Transanal Total Mesorectal Excision) là phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn. Đây là hướng đi mới để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp mang lại kết quả tốt về mặt ung thư học và tránh phải làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phương pháp TaTME ưu điểm hơn các phương pháp trước đây, đặc biệt với bệnh nhân béo phì, khối u to, khung chậu hẹp.
Sau 4 ngày phẫu thuật, Bệnh nhân M. được xuất viện trở về nhà trở lại cuộc sống thường nhật. Điều này giúp giảm thiểu chi phí nằm viện và giảm những biến chứng liên quan đến vết mổ.
Trong khi đó, với kỹ thuật mổ truyền thống trước đây - khâu nối ống tiêu hóa khiến bệnh nhân phải nhịn ăn từ 5-7 ngày và nằm viện 7-10 ngày.
Đánh giá kết quả ca phẫu thuật, BS. Vũ Xuân Vinh chia sẻ: "Kết quả sinh thiết bệnh phẩm của bệnh nhân M là ung thư giai đoạn IIA (T3N0M0). Nhưng phẫu thuật đạt được triệt căn nên chúng tôi tiên lượng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường ít nhất 5 năm nếu đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bổ trợ tiếp theo".