Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020 và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.
Cũng theo Globocan, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).
Các bác sĩ triển khai thành công kĩ thuật chụp và nút giãn tĩnh mạch.
Sáng 19/8, tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, GS.TS. Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều tăng lên trong thời gian vừa qua.
Đây là một điều đáng báo động. Bởi nó là gánh nặng về kinh tế, gánh nặng cho Việt Nam trong công tác phòng chống ung thư.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ung thư tăng cao
Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng, GS.TS Mai Trọng Khoa chỉ rõ, thứ nhất là hiện dân số Việt Nam đang là gần 100 triệu người. Dân số tăng lên, dẫn tới số người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư cũng tăng theo, từ đó số người tử vong do ung thư cũng tăng.
Thứ hai, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số dẫn đến tần suất xuất hiện ung thư ở những người có tuổi là rất cao, đây là quy luật tự nhiên.
Nguyên nhân thứ ba, theo PGS.TS Khoa, cùng với sự phát triển của truyền thông, kiến thức của người dân về bệnh này tăng lên. Chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Họ chủ động thăm khám hoặc tham gia các chương trình thăm khám, tầm soát ung thư của xã hội, cộng đồng. Do đó, nhiều người phát hiện sớm ung thư.
Thứ tư là do khoa học công nghệ phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta không có máy móc, xét nghiệm để phát hiện ung thư, hiện nay máy móc, thiết bị nhiều và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ ở giai đoạn rất sớm. Điều này dẫn đến số ca ung thư tăng.
Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên nhân tiếp theo khiến số ca mắc ung thư tăng cao là do môi trường sống. Việc sống thường xuyên trong môi trường bẩn, môi trường kém chất lượng, nước, không khí, thức ăn không đảm bảo dẫn đến nguy cơ gây ung thư.
Bên cạnh đó, thói quen ít vận động, ăn uống không khoa học, hút thuốc lá, thuốc lào, uống nhiều rượu bia… cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan…
PGS.TS Mai Trọng Khoa cho biết thêm, đối với ung thư, vấn đề quan trong nhất là chẩn đoán. Hiện nay, nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ thì điện quang và y học hạt nhân là ngành đóng vai trò chủ đạo nhất trong thiết bị và công nghệ để chẩn đoán, điều trị ung thư.
“Hiện, tất cả các kỹ thuật để chẩn đoán phát hiện sớm ung thư cũng như các bệnh lý khác đều sự kết hợp giữa điện quang và y học hạt nhân. Đó là sử dụng các kỹ thuật ghi hình tích hợp, ví dụ như kỹ thuật PET-CT, PET-MRI… Sự kết hợp của ngành điện quang (là CT, MRI) và ngành y học hạt nhân (là PET) trong cùng một máy sẽ làm cho độ nhậy, độ đặc hiệu tăng lên, dẫn đến việc chẩn đoán, phát hiện bệnh tật, nhất là ung thư dễ dàng hơn”- PGS.TS Mai Trọng Khoa cho biết.
Phòng ngừa ung thư thế nào?
GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, thông tin thêm hiện nay với các thiết bị hiện đại, chúng ta có thể chẩn đoán sớm và sâu nhiều bệnh.
GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.
“Ví dụ như ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú - khi lâm sàng chưa phát hiện ra bệnh nhưng chẩn đoán hình ảnh đã có thể thấy. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị sớm và hiệu quả hơn”- GS Phạm Minh Thông cho biết.
GS Phạm Minh Thông cũng nêu các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư gan tại Việt Nam. Cụ thể, sau khi được chẩn đoán sớm và dùng các kỹ thuật can thiệp điện quang như đốt, nút mạch, mô cắt… người bệnh sau khi sử dụng kỹ thuật nút mạch điều trị ung thư gan có thể sống 10-20 năm.
Ngoài ra, sự phát triển của điện quang và y học hạt nhân còn giúp chẩn đoán sớm, can thiệp ngay các trường hợp chảy máu não, đột quỵ bằng CT cộng hưởng từ...
“Nhiều bệnh nhân trước kia tàn phế, tử vong do khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Đến nay hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu sống nhờ kỹ thuật điện quang trong chẩn đoán, đặc biệt là can thiệp điều trị”- GS.TS Phạm Minh Thông cho biết.
Theo các chuyên gia, ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố bên ngoài thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố bên trong (tuổi, gen…).
Trong đó, yếu tố bên trong, nhất là yếu tố gia đình (gen) chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Còn các yếu tố bên ngoài dẫn đến bệnh ung thư rất nhiều. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh ung thư, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi các yếu tố bên ngoài như:
Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích…
Có chế độ ăn uống hớp lý: Ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất.
Hình thành thói quen sinh hoạt điều độ: Nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái; tích cực, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Cải thiện môi trường sống, tránh những nơi ô nhiễm nước, không khí.
Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí. Ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư./.