1. Uống quá nhiều nước
Việc uống đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trên mạng có nhiều lời khuyên trái ngược nhau về lượng nước cần uống. Điều này có thể khiến bạn hoang mang và dễ dẫn đến tình trạng uống quá nhiều nước, từ đó, có thể gây ra một tình trạng nguy hiểm gọi là ‘hạ natri máu’.
Tiến sĩ James Winger, bác sĩ Y học thể thao tại Trung tâm Y tế, Đại học Loyola, Hoa Kỳ cho biết: “Hạ natri máu có thể gây chết người, nhưng về cơ bản tất cả các trường hợp tử vong do hạ natri trong máu đều liên quan đến việc uống quá nhiều nước trong khi tập thể dục. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Tiến sĩ Winger cho hay: “Chúng tôi nhận thấy tình trạng hạ natri máu xảy ra ở một số trường hợp, chẳng hạn như chơi bóng bầu dục, chèo thuyền và bơi đường dài. Việc hoạt động thể dục thể thao có thể gây mất nước từ mức độ nhẹ đến trung bình nhưng điều đó không hề ảnh hưởng tới sức khỏe hay khả năng tập luyện”.
Vậy thì uống bao nhiêu nước là đủ?
Bác sĩ y khoa Megan Schimpf cho biết: “Chỉ nên uống nước khi bạn cảm thấy khát và đừng ép bản thân phải uống nước nhiều hơn”.
“Có rất nhiều loại thực phẩm chứa nước giúp bạn có thể đạt được lượng nước khuyến nghị mỗi ngày và ít người trong số chúng ta gặp phải nguy cơ bị mất nước. Mặt khác, cơ thể có hệ thống điều tiết, theo dõi tình trạng nước trong cơ thể và sau đó gửi thông báo cho cơ thể rằng đã đến lúc bạn cần uống nước”, bác sĩ Schimf cho biết thêm.
2. Tập thể dục quá sức
Tập thể dục quá sức có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ảnh minh hoạ
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giữ gìn vóc dáng và kiểm soát căng thẳng nhưng tập thể dục quá mức hoặc quá sức có thể gây tổn hại cho sức khỏe của bạn.
Theo TS.BS. Y học thể thao Caitlin Lewis: “Bất kỳ ai cũng có thể gặp rủi ro khi tập thể dục quá sức, không riêng gì các vận động viên. Điều này có thể xảy ra khi tập thể dục quá nhiều trong một thời gian ngắn, rất phổ biến và có thể xảy ra nhanh chóng".
"Đôi khi việc tập luyện quá sức xảy ra với những người mới bắt đầu một bài tập nhưng tập với cường độ quá cao ngay từ những buổi tập đầu tiên”, TS.Lewis cho biết thêm.
Theo TS. Lewis, các dấu hiệu của việc tập luyện quá sức có thể bao gồm mệt mỏi quá mức, thiếu năng lượng, cảm lạnh mạn tính, nhiễm trùng, mất ngủ, suy giảm thể lực, mất kinh (vô kinh) đối với nữ giới.
Việc phục hồi sau quá trình luyện tập quá sức có thể mất đến 2 tháng. Do đó, khi bắt đầu tập luyện trở lại, bạn hãy tập ở mức độ nhẹ nhàng.
“Tôi khuyên mọi người nên trao đổi với các bác sĩ, cũng như các huấn luyện viên về thời gian mà bạn có thể tập trở lại để an toàn cho sức khỏe”, TS. Lewis lưu ý.
3. Ngủ quá nhiều
Ngủ quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh hoạ
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ, người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tốt nhất. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Tiến sĩ Aarthi Ram, nhà thần kinh học chuyên về Y học giấc ngủ tại Bệnh viện Houston Methodist (Hoa Kỳ), cho biết: “Ngủ quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Thời lượng ngủ có thể khác nhau ở mỗi người nhưng người lớn cần ngủ trung bình từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm".
Tiến sĩ Ram cũng khuyên bạn không nên làm gián đoạn giấc ngủ: “Nhiều người có thói quen tiếp tục ngủ sau khi tắt chuông báo thức của đồng hồ. Việc cho phép bản thân ngủ thêm nhiều lần 10 phút không phải là giấc ngủ hiệu quả và cũng không giúp cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Một giấc ngủ bị gián đoạn sẽ khiến bạn cảm thấy chệnh choạng hơn”.
4. Đánh răng quá mạnh
Đánh răng 2 lần một ngày là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng nhưng đánh răng quá mạnh không những không cần thiết mà còn có thể gây tổn thương nướu và men răng.
Bác sĩ Phẫu thuật Nha khoa Andrew Thompson cho biết: “Bạn nên chải răng bằng bàn chải đánh răng có lông mềm, nhiều sợi với kem đánh răng có chứa fluoride để giúp tăng cường men răng".
"Bạn nên giữ bàn chải hơi nghiêng và chải nhẹ nhàng để loại bỏ mảng bám, nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng và sâu răng. Nếu chải quá mạnh tay hoặc chải quá lâu có thể làm tổn thương nướu. Bạn không nên chải răng quá 2 lần/ngày, chỉ nên chải trong 2 phút và ít nhất sau ăn từ 30 phút đến 1 tiếng để nước bọt có thời gian trung hòa lượng axit còn sót lại, giúp khôi phục khoáng chất cho men răng”.
Cách đánh răng đúng là đặt bàn chải nằm nghiêng và chải nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Ảnh minh hoạ
5. Ăn quá kén chọn
Nhiều người mang trong mình nỗi ám ảnh thái quá về sức khỏe, đặc biệt là về chế độ ăn uống. Họ luôn tự hỏi liệu những thứ mình đang ăn có ‘sạch’ không, từ đó kén chọn thức ăn.
Việc ăn uống quá khắc nghiệt có thể dẫn đến chứng thiếu máu não. Tiến sĩ Karin Katrina, nhà trị liệu dinh dưỡng cho biết: “Với tư cách là một nhà trị liệu dinh dưỡng, tôi nhận thấy số lượng bệnh nhân rối loạn dinh dưỡng đang gia tăng theo cấp số nhân. Hiện tại mỗi tuần tôi đều tiếp nhận một trường hợp mới với các triệu chứng của rối loạn dinh dưỡng”.
“Tôi nghĩ các chế độ ăn kiêng đều có giá trị riêng của mình. Việc chúng ta cần làm là hãy nói về việc ăn uống, cân nặng, thực phẩm và tập thể dục theo một cách tích cực”, Tiến sĩ Katrina cho biết.
Nếu bạn đang có lo lắng về chế độ ăn uống của mình, hãy trao đối với các chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp nhất cho bản thân.