Chế phẩm thuốc y học cổ truyền có triển vọng trong điều trị bệnh Covid-19 có tên Vipdervir, do PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu.
Ngày 10/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức buổi Họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.
PGS Huấn chia sẻ: "Nhóm đã sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học (Docking với phần mềm AutoDock) để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược Việt Nam có ái lực liên kết mạnh với đích phân tử, là các phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2, phối hợp các tài liệu y văn xưa và nay, các công bố quốc tế gần đây để tạo được tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đã sàng lọc nhằm tạo ra sản phẩm có hiệu quả điều trị cao nhất trên cơ sở có được sự tương tác cộng hưởng của các hoạt chất theo các cơ chế khác nhau".
Chế phẩm thuốc Vipdervir.
Theo chuyên gia này, thuốc có 3 cơ chế trong điều trị Covid-19 là:
- Ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ.
- Ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ.
- Kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.
PGS.TS. Lê Quang Huấn (đứng giữa) và các cộng sự nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 từ việc kết hợp thông tin từ y văn cùng với các công bố quốc tế mới nhất để sàng lọc, lựa chọn các dược chất có hoạt tính sinh dược cao từ nhiều loại thảo dược quý của Việt Nam nhằm tạo sản phẩm có hiệu quả trong điều trị bệnh do virus.
Sản phẩm Vipdervir do nhóm nghiên cứu tạo ra đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Thuốc y học cổ truyền "made in Vietnam" tiềm năng điều trị Covid-19
Theo PGS Huấn, trong các nghiên cứu, với nồng độ 50 g/mL, thuốc Vipdervir có khả năng ức chế được sự phát triển của virus SARS-CoV-2 ở nồng độ tới 10 PFU tương ứng với giá trị Ct=20,5 khi xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time PCR (Khi xét nghiệm real-time PCR nếu mẫu có giá trị trong khoảng 16< Ct <37 là mẫu dương tính với SARS-CoV-2, mẫu có giá trị 37≤ Ct <40 là mẫu nghi ngờ). Nghĩa là, thuốc Vipdervir có tác dụng ức chế sự tăng sinh của virus SARS-CoV-2.
Ảnh chụp các giếng thử nghiệm về sự hình thành vết tan của virus SARS-CoV-2 trên tế bào Vero E6 khi thử nghiệm với thuốc Vipdervir.
"Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển của virus SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng", PSG Huấn nhấn mạnh.
Trong cuộc họp ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc Vipdervir.
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), thuốc Vipdervir là một trong những minh chứng sinh động về việc các bộ, ngành, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho cuộc chiến chống dịch.
Theo đơn vị nghiên cứu, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dự kiến sẽ thử nghiệm trên các bệnh nhân Covid-19 tình trạng nhẹ và vừa. Số lượng người tham gia thử nghiệm dự kiến là trên 200 người và sẽ thử nghiệm ở một số mức liều.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm được chia làm 2 nhóm: nhóm điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế và nhóm điều trị theo phác đồ nền Bộ Y tế cộng thêm sản phẩm thuốc Vipdervir.
Dự kiến thời gian thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng, kỳ vọng vào cuối năm nay thuốc sẽ được cấp phép lưu hành.